Home » VỤ KHAI NHẬN DI SẢN THỪA KẾ CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

VỤ KHAI NHẬN DI SẢN THỪA KẾ CỦA NGƯỜI NƯỚC NGOÀI

Ngày đăng

01 Tháng Hai, 2023

THỪA KẾ

1. Nội dung vụ việc

Khách hàng K (quốc tịch Việt Nam) có bố mang quốc tịch Đài Loan, Trung Quốc. Người bố cư trú và qua đời tại Việt Nam và không để lại di chúc. Phần di sản để lại bao gồm tiền tiết kiệm ngân hàng và tài khoản chứng khoán ở Việt Nam. Gia đình của khách hàng K muốn để cho Khách hàng thực hiện thủ tục khai nhận di sản để được nhận thừa kế toàn bộ các tài sản này.

2. Cách xử lý của luật sư A+

Luật sư A+ tư vấn cho khách hàng K các quy định của pháp luật về thừa kế của người nước ngoài đối với tài sản tại Việt Nam:

  • Pháp luật Việt Nam quy định chủ sở hữu có quyền định đoạt đối với tài sản của mình, bao gồm quyền để thừa kế (Điều 194 BLDS 2015). Như vậy, người nước ngoài là chủ sở hữu hợp pháp của tài sản tại Việt Nam hoàn toàn có thể để lại tài sản thừa kế cho người khác, miễn là tuân thủ theo các quy định của pháp luật.
  • Khoản 3 Điều 2 Luật Công chứng 2014 quy định “Người yêu cầu công chứng là cá nhân, tổ chức Việt Nam hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài có yêu cầu công chứng hợp đồng, giao dịch, bản dịch theo quy định của Luật này”.
  • Như vậy, pháp luật hoàn toàn cho phép việc người nước ngoài để lại thừa kế (theo di chúc hoặc theo pháp luật) cho người khác đối với tài sản tại Việt Nam và thực hiện các thủ tục có liên quan tại Văn phòng công chứng.
  • Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, do có sự xung đột về mặt pháp luật áp dụng đối với việc để thừa kế của người nước ngoài nên không phải Văn phòng công chứng nào cũng chấp nhận thực hiện các thủ tục liên quan (như công chứng di chúc, khai nhận di sản thừa kế của người nước ngoài,…). Đối với di sản là bất động sản thì có thể dễ dàng hơn, vì pháp luật áp dụng luôn là pháp luật Việt Nam (pháp luật nước nơi có bất động sản – Khoản 2 Điều 680 BLDS 2015).

Luật sư A+ đã liên hệ một Văn phòng công chứng tại TP. Hồ Chí Minh đã đồng ý thực hiện thủ tục khai nhận di sản thừa kế do người nước ngoài để lại tại Việt Namnày với điều kiện người để lại di sản (quốc tịch nước ngoài) phải có thẻ thường trú hoặc tạm trú trên 03 năm tại Việt Nam, thành phần hồ sơ, giấy tờ như sau:

a) Giấy tờ cá nhân của người để lại di sản:

  • Giấy chứng tử của người để lại di sản;
  • Giấy tờ thường trú/tạm trú tại Việt Nam của người để lại di sản;
  • Hộ chiếu của người để lại di sản.

b) Giấy tờ của những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất:

  • Giấy từ chối nhận di sản của những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất (trừ ông K) (Gia đình muốn Khách hàng một mình nhận toàn bộ số tài sản trên);
  • Giấy tờ pháp lý cá nhân (CMND/CCCD/Hộ chiếu) của những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất;
  • Giấy tờ thể hiện mối quan hệ giữa người để lại di sản với những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất, bao gồm: Giấy khai sinh của các con; Giấy khai sinh của người để lại di sản; Giấy đăng ký kết hôn của vợ; Giấy chứng tử (nếu có người thuộc hàng thừa kế thứ nhất đã qua đời).

c) Các Giấy tờ chứng minh tài sản của người để lại di sản (Sổ tiết kiệm, Xác nhận của Công ty chứng khoán);

d) Giấy tờ pháp lý cá nhân và văn bản khai nhận di sản thừa kế của ông K.

Lưu ý:

  • Các giấy tờ do Cơ quan nước ngoài cấp đều phải được hợp pháp hóa lãnh sự.
  • Trường hợp giấy tờ, hồ sơ bị thất lạc có thể xin xác nhận của các Cơ quan có thẩm quyền.

Sau đó văn bản khai nhận di sản thừa kế đã được ngân hàng.

3. Kết quả đạt được

Sở giao dịch chứng khoán Thành phố Hồ Chí Minh đã chấp nhận chuyển giao lại di sản thừa kế cho con người mất là khách hàng K.

Call Now

Call Now