VỤ ÁN TRỘM CẮP TÀI SẢN CÔNG TY
1. Nội dung vụ án
Anh T là nhân viên kinh doanh của công ty A (kinh doanh mặt hàng đồng hồ), anh chịu trách nhiệm phát triển thị trường, tìm kiếm khách hàng và cả việc giao hàng nhận tiền đối với khách hàng mình đã kiếm được.
Năm 2020, kế toán tiến hành liên hệ với các khách hàng để thu công nợ thì nhận được thông tin là anh T đã thu trước đó. Lúc này anh T đã nghỉ việc tại công ty A
Giữa anh T và công ty có ký Biên bản thanh lý hợp đồng lao động, trong đó có nội dung chấm dứt mọi quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng lao động đã có.
Khi công ty A tố cáo anh T ra công an về hành vi trộm cắp tài sản công ty thì anh T đã trình biên bản thanh lý của các bên để cho rằng hai bên đã chấm dứt quyền và nghĩa vụ theo hợp đồng lao động đã ký nên anh T không còn bất cứ nghĩa vụ nào với công ty A
Vấn đề của vụ án: Giá trị pháp lý của Biên bản thanh lý có miễn trừ trách nhiệm hình sự của người lao động?
2. Cách xử lý của luật sư A+
Biên bản thanh lý hợp đồng lao động là thỏa thuận của người lao động và người sử dụng lao động. Nó không có giá trị ràng buộc cho bên thứ ba.
Về tội phạm của Luật hình sự được hiểu là hành vi vi phạm đối với các quan hệ xã hội được nhà nước bảo vệ như quan hệ an toàn công cộng, an toàn sức khỏe, tài sản..v..v. Những quan hệ xã hội này được nhà nước bảo vệ nhằm đảm bảo sự trật tự và an toàn cho các cá thể trong xã hội đó.
Vì thế khi có hành vi xâm phạm vào các mối quan hệ được nhà nước bảo vệ thì nhà nước sẽ đứng ra là một bên điều tra, truy tố và xét xử.
Căn cứ Điều 173. Tội trộm cắp tài sản
1. Người nào trộm cắp tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:
a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;
b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 174, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ;
đ) Tài sản là di vật, cổ vật.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
a) Có tổ chức;
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;
d) Dùng thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm;
đ) Hành hung để tẩu thoát;
e) Tài sản là bảo vật quốc gia;
g) Tái phạm nguy hiểm.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;
b) Lợi dụng thiên tai, dịch bệnh.
4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 12 năm đến 20 năm:
a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500.000.000 đồng trở lên;
b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.
5. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng.
3. Kết quả đạt được
Luật sư hình sự A+ đã sử dụng lập luận này để thuyết phục anh T khắc phục thiệt hại cho công ty A, qua đó công ty A có bãi nại cho anh T, tuy nhiên Anh T vẫn bị truy tố và xét xử đối với hành vi trộm cắp tài sản của mình với khung hình phạt dưới mức khung mình bị truy tố.