TÁCH CÔNG TY B.V
[NỘI DUNG CHÍNH CỦA VỤ VIỆC]
Công ty B.V lập ở Hồ Chí Minh, có dự án khu nghỉ dưỡng ở Nha Trang, công ty muốn chuyển nhượng dự án khu nghỉ dưỡng này cho một công ty khác thực hiện (đã có công ty H.A hỏi mua). Hiện tại UBND Khánh Hòa không chấp nhận chuyển cho nhà đầu tư khác, nếu chuyển buộc phải thẩm định lại năng lực chủ đầu tư lại từ đầu.
[VẤN ĐỀ PHÁP LÝ]
Công ty B.V đã đến nhờ luật sư Nguyễn Duy Anh để giải quyết các vấn đề sau:
- Làm cách nào chuyển nhượng mà không phải xin thẩm định dự án lại từ đầu;
- Thuế chuyển nhượng.
[HƯỚNG GIẢI QUYẾT CỦA LUẬT SƯ]
Luật sư Nguyễn Duy Anh nghiên cứu hồ sơ và nhận thấy công ty B.V có rất nhiều dự án và ngành nghề khác nhau, công ty có bề dày lịch sử đã hoạt động trên 30 năm.
Nếu thực hiện thủ tục chuyển nhượng toàn bộ vốn góp công ty B.V thì các cổ đông công ty không đồng ý mà cũng không khả thi do công ty không chỉ có dự án resort tại Nha Trang.
Luật sư Nguyễn Duy Anh cũng đã tiếp xúc với Sở ban ngành của Khánh Hòa và cơ quan nhà nước không đồng ý việc chuyển nhượng dư án cho một pháp nhân mới khi chưa thẩm định về năng lực, do dự án này là dự án điểm của thành phố.
Sau khi tiếp xúc với tất cả các bên, nhận thấy cần phải tách dự án công ty B.V thành một công ty mới, để từ đó có thể chuyển vốn góp của công ty này cho bên mua là công ty H.A
Quy định về tách công ty được thể hiện ở Điều 193 Luật Doanh Nghiêp, cụ thể như sau:
Điều 193. Tách doanh nghiệp
Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần có thể tách bằng cách chuyển một phần tài sản, quyền và nghĩa vụ của công ty hiện có (sau đây gọi là công ty bị tách) để thành lập một hoặc một số công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần mới (sau đây gọi là công ty được tách) mà không chấm dứt tồn tại của công ty bị tách.
Tách công ty có thể thực hiện theo một trongcác phương thức sau đây:
a) Một phần phần vốn góp, cổ phần của các thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng với giá trị phần vốn góp, cổ phần được chuyển sang cho các công ty mới theo tỷ lệ sở hữu trong công ty bị tách và tương ứng giá trị tài sản được chuyển cho công ty mới;
b) Toàn bộ phần vốn góp, cổ phần của một hoặc một số thành viên, cổ đông cùng với tài sản tương ứng vớigiá trị cổ phần, phần vốn góp của họ được chuyển sang cho các công ty mới;
c) Kết hợp cả hai trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản này.
Công ty bị tách phải đăng ký thay đổi vốn điều lệ và số lượng thành viên tương ứng vớiphần vốn góp, cổ phần và số lượng thành viên giảm xuống đồng thời với đăng ký doanh nghiệp các công ty mới.
Thủ tục tách công ty trách nhiệm hữu hạn và công ty cổ phần được quy định như sau:
a) Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc Đại hội đồng cổ đông của công ty bị tách thông qua nghị quyết tách công ty theo quy định của Luật này và Điều lệ công ty. Nghị quyết tách công ty phải có các nội dung chủ yếu về tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty bị tách; tên công ty được tách sẽ thành lập; phương án sử dụng lao động; cách thức tách công ty; giá trị tài sản, các quyền và nghĩa vụ được chuyển từ công ty bị tách sang công ty được tách; thời hạn thực hiện tách công ty. Nghị quyết tách công ty phải được gửi đến tất cả các chủ nợ và thông báo cho người lao động biết trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày thông qua nghị quyết;
b) Các thành viên, chủ sở hữu công ty hoặc các cổ đông của công ty được tách thông qua Điều lệ, bầu hoặc bổ nhiệm Chủ tịch Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Hội đồng quản trị, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và tiến hành đăng ký doanh nghiệp theo quy định của Luật này. Trường hợp này, hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải kèm theo nghị quyết tách công ty quy định tại điểm a khoản này.
Sau khi đăng ký doanh nghiệp, công ty bị tách và công ty được tách phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ chưa thanh toán, hợp đồng lao động và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bị tách, trừ trường hợp công ty bị tách, công ty mới thành lập, chủ nợ, khách hàng và người lao động của công ty bị tách có thỏa thuận khác.
Theo đó công ty B.V đã có thể tách dự án ở Nha Trang thành một doanh nghiệp độc lập với số vốn tương đương giá trị tài sản của dự án.
Sau đó việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp này cho nhà đầu tư khác được thực hiện một cách dễ dàng.
Chủ sở hữu công ty B.V đóng thuế chuyển nhượng 20% trên số tiền chênh lệch giá trị chuyển nhượng và giá trị vốn góp của công ty đã tách ra.