Ông Nguyễn Văn Đ. chiếm đoạt tài sản được hưởng án treo
[NỘI DUNG CHÍNH CỦA VỤ ÁN]
Ông Nguyễn Văn Đ. làm tài xế ô tô. Trong một lần chở chị Trần Ngọc E. (khách), chị E. bỏ quên điện thoại trên ô tô ông Đ. Sau đó, ông Đ. đã chiếm giữ điện thoại, xâm nhập vào tài khoản ngân hàng chị E. và chuyển số tiền 43 triệu đồng vào tài khoản ông Đ.
Hôm sau, chị E. kiểm tra lại tài khoản ngân hàng thì biết được số tiền 43 triệu đồng trong tài khoản chị E. đã được chuyển cho ông Đ. Sau đó, nhờ các mối quan hệ xã hội, chị E. tìm được đến nhà ông Đ. nhưng ông Đ. không thừa nhận hành vi chiếm đoạt.
Vì thế, chị E. trình báo cho Cơ quan công an yêu cầu xử lý trách nhiệm hình sự đối với ông Đ do các hành vi chiếm giữ trái phép điện thoại và chiếm đoạt tài sản của bà E.
[VẤN ĐỀ PHÁP LÝ CHÍNH]
Hành vi của ông Đ. có khả năng bị Công an khởi tố về tội gì?
Yếu tố cấu thành các tội danh mà ông Đ. có khả năng bị khởi tố?
Các điều kiện được hưởng treo trong vụ án? Trường hợp của ông Đ. có khả năng được hưởng án treo không?
[HƯỚNG GIẢI QUYẾT CỦA LUẬT SƯ]
Hướng dẫn khách hàng tìm và trả lại tài sản:
Căn cứ vào hành vi chiếm đoạt tài sản của ông Đ. và Bộ luật Hình sự, Luật sư Phùng Thị Huyền nhận thấy hành vi của ông Đ. mang dấu hiệu phạm 02 tội: Tội chiếm giữ trái phép tài sản theo khoản 1 Điều 176 Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS); tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 290 BLHS.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 176 BLHS, người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng, hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
Trường hợp của ông Đ. có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự do giá trị tài sản dưới 10.000.000 đồng nhưng vẫn cố tình không trả lại cho chủ sở hữu dù rằng chủ sở hữu đã yêu cầu được nhận lại tài sản.
Ngay khi nhận được vụ việc, Luật sư Phùng Thị Huyền đã hướng dẫn khách hàng tìm cho bằng được chiếc điện thoại của bà E. mà ông Đ. chiếm hữu và đem trả lại cho bà E. trước sự chứng kiến của Cơ quan điều tra.
Do đó, Cơ quan điều tra chỉ khởi tố ông Đ. do có hành vi sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản theo khoản 1 Điều 290 BLHS.
Thu thập các tài liệu, chứng cứ để đủ điều kiện được hưởng án treo:
Căn cứ theo quy định của pháp luật về điều kiện được hưởng án treo:
BỘ LUẬT HÌNH SỰ:
Điều 65. Án treo
- Khi xử phạt tù không quá 03 năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ 01 năm đến 05 năm và thực hiện các nghĩa vụ trong thời gian thử thách theo quy định của Luật thi hành án hình sự.
- Trong thời gian thử thách, Tòa án giao người được hưởng án treo cho cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc hoặc chính quyền địa phương nơi người đó cư trú để giám sát, giáo dục. Gia đình người bị kết án có trách nhiệm phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người đó.
NGHỊ QUYẾT 02/2018/NQ-HĐTP SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NGHỊ QUYẾT 01/2022/NQ-HĐTP
Điều 2. Điều kiện cho người bị kết án phạt tù được hưởng án treo
Người bị xử phạt tù có thể được xem xét cho hưởng án treo khi có đủ các điều kiện sau đây:
- Bị xử phạt tù không quá 03 năm.
- Người bị xử phạt tù có nhân thân tốt là ngoài lần phạm tội này, người phạm tội chấp hành chính sách, pháp luật và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân ở nơi cư trú, nơi làm việc.
- Có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự và không có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 52 của Bộ luật Hình sự.
Trường hợp có tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự thì số tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự phải nhiều hơn số tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự từ 02 tình tiết trở lên, trong đó có ít nhất 01 tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 1 Điều 51 của Bộ luật Hình sự.
- Có nơi cư trú rõ ràng hoặc nơi làm việc ổn định để cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giám sát, giáo dục.
- Xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù nếu người phạm tội có khả năng tự cải tạo và việc cho họ hưởng án treo không gây nguy hiểm cho xã hội; không ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
- Khi xem xét, quyết định cho bị cáo hưởng án treo Tòa án phải xem xét thận trọng, chặt chẽ các điều kiện để bảo đảm việc cho hưởng án treo đúng quy định của pháp luật, đặc biệt là đối với các trường hợp hướng dẫn tại khoản 2, khoản 4 và khoản 5 Điều 3 Nghị quyết này
Như vậy, các điều kiện để được hưởng án treo bao gồm: (i) xử phạt tù không quá 03 năm; (ii) nhân thân tốt; (iii) có nơi cư trú hoặc công việc ổn định; (iv) có từ 02 tình tiết giảm nhẹ trở lên, trong đó 01 tình tiết giảm nhẹ theo khoản 1 Điều 51 BLHS; (v) có gia đình phối hợp với cơ quan, tổ chức, chính quyền địa phương trong việc giám sát, giáo dục người phạm tội.
Căn cứ theo khoản 1 Điều 290 BLHS, người phạm tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Nhận thấy tội danh ông Đ. mắc phải có khả năng xin án treo Luật sư Huyền đã lên kế hoạch bào chữa và hướng dẫn ông Đ. cung cấp các chứng cứ để chứng minh ông Đ. xứng đáng được Hội đồng xét xử xem xét áp dụng chính sách khoan hồng của pháp luật để cho ông Đ. thêm cơ hội được tham gia giáo dục và cải tạo tại địa phương.
Thứ nhất, về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
Luật sư Huyền đã hướng dẫn ông Đ. trước tiên tìm gặp, xin lỗi và bồi thường cho người bị hại. Rất nhiều khách hàng của [Luật A+] dù rất ăn năn về hành vi phạm tội của bản thân gây ra, nhưng lại không biết tiếp cận người bị hại như thế nào, xin lỗi ra sao. Lúc này, vai trò của luật sư sẽ là cầu nối để khách hàng có thể thể hiện được tấm lòng chân thành và ăn năn hối lỗi do hành vi của mình gây ra. Vì thế, các buổi làm việc giữa ông Đ. và bà E. đều có sự tham gia của Luật sư Huyền, nhờ đó bà E. cảm nhận được sự chân thành của Đ. và sẵn sàng bỏ qua lỗi lầm ông Đ. đã mắc phải.
Thứ hai, về các điều kiện hưởng án treo khác:
Nhằm thể hiện cho Hội đồng xét xử thấy ông Đ. xứng đáng được trao thêm một cơ hội để làm lại cuộc đời, Luật sư Huyền đã làm việc rất nhiều với cả ông Đ. và gia đình Đ. để cung cấp thêm các bằng chứng nộp cho Cơ quan tiến hành tố tụng nhằm nhận được sự khoan hồng của pháp luật. Việc nộp tài liệu gì, trình bày tài liệu ra sao, ở hình thức nào và cả thời điểm nộp chứng cứ cũng hết sức quan trọng. Các công việc này đòi hỏi phải có sự tham gia của luật sư để có kế hoạch phù hợp và cũng để cho Cơ quan tiến hành tố tụng có thể cảm nhận đầy đủ về các khía cạnh tốt của người phạm tội. Từ đó, Cơ quan tiến hành tố tụng có sự đồng cảm và có thể thông cảm để người phạm tội có cơ hội làm lại cuộc đời.
KẾT QUẢ ĐẠT ĐƯỢC:
Trong hành trình bào chữa, [Luật A+] đã giúp khách hàng khắc phục được một phần lỗi mà khách hàng đã gây ra, tránh được nguy cơ bị xem xét trách nhiệm hình sự ở cả hai tội danh: Tội chiếm giữ trái phép tài sản (khoản 1 Điều 176 BLHS) và tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (khoản 1 Điều 290 BLHS). Tại bản kết luận điều tra, khách hàng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản (khoản 1 Điều 290 BLHS). Còn hành vi chiếm giữ trái phép tài sản thì chỉ bị xem xét xử phạt hành chính.
Từ đó tạo tiền đề để [Luật A+] tiếp tục bào chữa giảm nhẹ trách nhiệm hình sự ở giai đoạn sơ thẩm và bào chữa theo hướng được hưởng án treo ở giai đoạn phúc thẩm. Kết quả, tại bản án phúc thẩm, khách hàng được hưởng án treo, tham gia giáo dục, cải tạo tại địa phương.