Bạo hành trẻ em là một trong những vấn đề nhức nhối luôn được xã hội quan tâm và lên án. Đa phần các vụ án bạo hành trẻ em đều xảy ra tại các lớp học mầm non trên khắp đất nước, gần đây có một vụ việc làm dậy sóng cả cộng đồng vì sự bất bình và phẫn nộ trước những hành động man rợ mà 2 cô giáo mầm non đã tác động lên đứa bé 2 tuối ở thủ đô Hà Nội.
1. Tình huống vụ việc bạo hành trẻ em man rợ
Vào khoảng 7 giờ 30 ngày 23/2, cháu P. T. Đ (SN 2021, trú tại thôn Đặng Xá, xã Vạn Điểm, huyện Thường Tín, TP Hà Nội) được gia đình gửi tại nhà trẻ tư thục (tự lập) ở thôn Vạn Điểm của 2 đối tượng Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành trông giữ cùng 6 cháu bé khác.
Khoảng 9 giờ cùng ngày, An và Lành đưa các cháu vào buồng ngủ để quản lý thì cháu Đ khóc, chạy ra bên ngoài cửa lớp đứng. Thấy vậy, Lành bực tức chạy theo, dùng 2 tay bế xốc hai nách và ném đập đầu cháu Đ xuống nền nhà có dải thảm. Lành xông vào dùng tay tát vào mặt cháu Đ, còn An dùng chân đạp vào bụng, ngực, đá và dẫm lên đầu của cháu Đ. Đến khoảng 16 giờ 30 cùng ngày, cháu Đ được gia đình đón, Lành và An nói với gia đình là cháu Đ tự ngã.
Ngày 24, 25, 26/2, cháu Đ được gia đình đưa đến lớp giao cho An trông giữ. Đến khoảng 9 giờ 30 ngày 26/2, cháu Đ khóc thì bị An dùng chân đạp vào bụng. Khi cháu Đ bất tỉnh, An gọi gia đình đến cùng đưa cháu Đ đi cấp cứu tại Trạm y tế xã Vạn Điểm. Tiếp đó, y tá yêu cầu đưa cháu đi viện nên gia đình đã chuyển cháu Đ đến Bệnh viện Nông nghiệp I, Bệnh viện Nông Nghiệp I chuyển cháu Đ đến Bệnh viện nhi Trung ương. Các bác sĩ đã tích cực điều trị nhưng đến 17 giờ ngày 1/3, do không thể cứu chữa nên Bệnh viện nhi Trung ương trả cháu Đ về gia đình. Đến 19h ngày 2/3, cháu Đ tử vong.
Luật sự A+ có ý kiến gì về vụ việc man rợ nêu trên?
2. Nội dung chính vụ việc bạo hành trẻ em trên
- Vào 09 giờ ngày 23/02, Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành các hành vi hành hung cháu Đ.
- Cụ thể, chị Lành dùng 2 tay bế xốc hai nách và ném đập đầu cháu Đ xuống nền nhà có dải thảm.
- Tiếp đó, chị Lành dùng tay tát vào mặt cháu Đ. Còn chị An dùng chân đạp vào bụng, ngực, đá và dẫm lên đầu của cháu Đ.
- Cháu Đ đã tử vong.
3. Vấn đề pháp lý
- Hành vi của Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành có dấu hiệu phạm tội không? Nếu có, thì là tội gì?
- Các hành vi đánh đập của các đối tượng ở các ngày trước khi cháu Đ mất thì có phải chịu trách nhiệm gì không?
- Nhà trẻ do chị An và chị Lành quản lý có được cấp phép chưa?
4. Cơ sở pháp lý
- Điều 123, Điều 134 và Điều 140 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017
5.Tội danh dành cho Nguyễn Thị An và Nguyễn Thị Lành trong vụ án trên là gì?
- Tùy theo kết luận, tình tiết trong vụ án, các tội danh mà chị Lành và chị An có thể đối diện:
- Tội giết người (điểm b khoản 1 Điều 123 BLHS): Chị An và Chị Lành hoàn toàn có thể đối diện với tội danh này tùy thuộc vào hung khí được các đối tượng sử dụng để hành hung cháu Đ và vị trí trên cơ thể của cháu Đ bị các đối tượng nhắm đến tấn công.
- Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (khoản 4 Điều 134 BLHS): Các đối tượng có thể đối diện với tội danh này với tình tiết định khung tăng nặng “Làm chết người”.
- Tội hành hạ người khác (điểm a khoản 2 Điều 140 BLHS): Các đối tượng có thể đối diện với tội danh vì các hành vi đánh đập dã man đối với các học sinh theo học tại cơ sở giáo dục các đối tượng quản lý.
6. Mức xử phạt theo quy định pháp luật về hành vi trên?
- Đối với Tội giết người theo điểm b khoản 1 Điều 123 BLHS, mức phạt cao nhất các đối tượng có thể đối diện là tử hình. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 đến 05 năm, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
- Đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác theo khoản 4 Điều 134 BLHS, mức phạt cao nhất đối với tội danh này là 14 năm tù.
- Đối với Tội hành hạ người khác theo điểm a khoản 2 Điều 140 BLHS, mức phạt cao nhất đối với tội danh này là 03 năm tù.
7. Lời cảnh báo của LS Hãng luật A+ đến các bậc phụ huynh đang cho con đi nhà trẻ
- Các bậc phụ huynh cần chú ý hơn đến những cơ sở giáo dục dành cho trẻ em, cụ thể: cần chọn những cơ sở đã được cấp phép; đội ngũ giáo viên có đầy đủ kỹ năng, trình độ chuyên môn.
- Cha mẹ cần quan tâm và trao đổi thường xuyên với trẻ nhỏ để phát hiện ra các dấu hiệu bất thường về mặt tâm lý hoặc những vết thương, dấu hiệu lạ trên cơ thể của con.
- Định kỳ tham gia đối thoại cùng với nhà trường, lớp học để tìm ra các giải pháp, trao đổi thông tin về việc giáo dục trẻ nhỏ.
8. Kết luận
- Những năm trở lại đây, các hành vi bạo hành trẻ em ngày càng trở nên phổ biến và gây nhức nhối trong xã hội. Một mặt, trẻ em là những đối tượng dễ ức hiếp, không biết cách bộc lộ các cảm xúc, trình bày, diễn đạt những hành vi tiêu cực trong giáo dục. Mặt khác, tại các trung tâm giáo dục không có camera giám sát khiến cho phụ huynh không có chứng cứ chứng minh về hành vi bạo hành.
- Dù rằng, pháp luật có đầy đủ các biện pháp xử lý, giám sát đối với hành vi vi phạm, hoạt động giáo dục. Nhưng phòng ngừa vẫn là giải pháp hữu hiệu hơn cả. Các bậc phụ huynh cần dành nhiều thời gian hơn để quan tâm, chăm sóc con cái; mặt khác, tham gia đối thoại cùng với nhà trường, thầy/cô để tìm cùng nhau nuôi dưỡng và giáo dục trẻ được tốt hơn.