Home » Bài viết pháp luật » Hàng loạt phụ huynh mất tiền oan khi hay tin con mình nhập viện qua cuộc điện thoại lạ

Hàng loạt phụ huynh mất tiền oan khi hay tin con mình nhập viện qua cuộc điện thoại lạ

Lợi dụng lòng thương con của các bậc phụ huynh, nhiều nhóm đối tượng lừa đảo đã thực hiện những cuộc gọi báo tin giả. Hàng loạt gia đình đã tin theo lời thúc giục chuyển tiền để đứa con của mình kịp thời phẫu thuật, dẫn đến mất tiền oan lên đến 70.000.000 đồng. Quý phụ huynh cần cẩn trọng hơn với những cuộc gọi số lạ và luôn làm thủ tục xác minh trước khi giao dịch qua tài khoản ngân hàng.

1. Chiêu trò gọi điện báo tin con nhập viện để lừa tiền.

Sự việc nhiều phụ huynh ở TP.HCM nhận được cuộc gọi thông báo “con bị tai nạn, chấn thương sọ não đang ở Bệnh viện Chợ Rẫy và cần tiền phẫu thuật gấp…” đang gây hoang mang những ngày qua. 

Theo đó, các phụ huynh sẽ nhận được một cuộc điện thoại số lạ và người ở đầu dây bên kia tự xưng là “giáo viên bộ môn” của bé. Người này nói chuyện với giọng điệu gấp gáp, sợ hãi và thông báo rằng “con anh chị đang chơi ở trường thì bị té ngã, chấn thương nặng, cần 70.000.000 đồng để làm phẫu thuật gấp. Em không mang đủ tiền nên em sẽ gửi thông tin tài khoản ngân hàng cho anh chị chuyển vào rồi anh chị nhanh chóng vào bệnh viện với con”

Tinh vi hơn là bọn lừa đảo còn chuẩn bị cả một người đàn ông đóng vai “bác sĩ” đang thúc giục “cô giáo” tự xưng nhanh chóng chuyển tiền nhằm tấn công tâm lý đang hoảng loạn của phụ huynh. Nghe con mình bị tai nạn, bậc làm cha mẹ nào cũng đau xót, sốt ruột nên mất cảnh giác mà mắc bẫy của kẻ gian. 

Đặc biệt, bọn chúng có sự tìm hiểu kỹ càng về thông tin của gia đình để có thể nói đúng tên tuổi con em của quý phụ huynh, tạo lòng tin khiến các cha mẹ bỏ qua sự hoài nghi mà chuyển tiền vào tài khoản gấp để mau chóng “cứu con”.

Hiện nay, bọn chúng đang lộng hành và rất nhiều quý phụ huynh vẫn bị chiêu trò này dụ dỗ, dẫn đến mất tiền oan. Luật sư Hãng Luật A+ có ý kiến và cảnh báo như thế nào về vụ việc trên?

2. Vấn đề pháp lý

  • Hành vi cung cấp thông tin giả mạo để chiếm đoạt tài sản có cấu thành hành vi phạm tội không?

3. Cơ sở pháp lý

  • Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

4.Tội danh của bọn lừa đảo trên là gì? 

  • Căn cứ vào tình tiết của vụ việc, hành vi của các đối tượng có dấu hiệu phạm Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo Điều 174 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017, cụ thể: 
  • Các đối tượng có hành vi mạo danh giáo viên của đứa bé để tạo dựng lên tình huống đứa bé gặp tai nạn và cần tiền mổ gấp. Với thủ đoạn gian dối đó, phụ huynh sẽ tin và chuyển tiền cho các đối tượng. Hậu quả của hành vi phạm nêu trên, phụ huynh bị các đối tượng đối tượng chiếm đoạt số tiền lên đến 70 triệu đồng.

5. Mức xử phạt dành cho tội danh trên

  • Căn cứ theo khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự, với hành vi chiếm đoạt số tiền 70.000.000 đồng, các đối tượng có thể đối diện với mức án lên 7 năm tù. Ngoài ra, căn cứ theo khoản 5 Điều 174 Bộ luật Hình sự, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Hàng loạt phụ huynh mất tiền oan khi hay tin con mình nhập viện qua cuộc điện thoại lạ
Phụ huynh cần xác minh rõ ràng trước khi chuyển tiền cho một đối tượng chưa quen biết từ trước để tránh mất tiền oan.

6. Cảnh báo của Luật sư Hãng luật A+ đến quý phụ huynh cho trường hợp trên

  • Các đối tượng thường đặt phụ huynh vào tình thế cấp bách, tạo nên các tình huống gấp rút, hối thúc phụ huynh để các bậc cha mẹ không có thời gian kịp nhìn nhận vấn đề. 
  • Khi đối diện với tình huống trên, các phụ huynh cần hết sức bình tĩnh, xác minh rõ đối tượng đang gọi điện tới. Tình huống sự việc diễn ra và không cần phải lo lắng việc chậm chuyển tiền sẽ ảnh hưởng đến tính mạng của con. Vì căn cứ theo khoản 1 Điều 6, khoản 1 Điều 36, khoản 1 Điều 53 Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đều có trách nhiệm cấp cứu kịp thời cho người. 
  • Do vậy, đối diện với các tình huống trên, phụ huynh nên xác minh sự việc, không cần chuyển tiền cho người khác để thực hiện việc cấp cứu.

7. Kết luận

  • Thủ đoạn tạo tình huống người thân gặp tai nạn và đề nghị người nhà chuyển tiền đã không còn xa lạ gì. Các đối tượng thường tạo nên các tình huống gấp rút, người thân ảnh hưởng đến tính mạng để các nạn nhân không kịp nhìn nhận lại sự việc mà chuyển tiền. Nhờ có sự phát triển của thông tin liên lạc và dịch vụ chuyển tiền nhanh, các đối tượng có thể tiếp xúc với nhiều nạn nhân hơn, tạo tỷ lệ thành công cao hơn cho hành vi của chúng.
  • Các bậc phụ huynh cần hết sức tỉnh táo, bình tĩnh xác minh rõ sự việc. Trường hợp liên quan đến các tình huống cần cấp cứu thì như cơ sở pháp lý Luật A+ đã chia sẻ trên đây, các bậc phụ huynh hoàn toàn có thể yên tâm, công việc cấp cứu luôn phải được thực hiện kịp thời kể cả trường hợp chưa thanh toán.
Các bài viết cùng lĩnh vực

Call Now

Call Now