Vỉa hè từ lâu đã gắn liền với đời sống của cư dân tại thành phố lớn. Đây vừa là nét đặc biệt trong du lịch, cũng là một phần quan trọng của nền kinh tế. Giải quyết bài toán vỉa hè và hài hòa lợi ích đôi bên là vấn đề mà các bên quan tâm.
1. Thực trạng bán vỉa hè của người dân tại thành phố lớn
Sau khi Thành phố Hà Nội ra chỉ thị “giành lại vỉa hè phong quang, sạch đẹp cho người đi bộ”, chính quyền các quận, huyện đã ra quân lập lại trật tự lòng đường, vỉa hè. Theo đó, lực lượng chức năng phải liên tục tuần tra, kiểm tra, nhắc nhở, xử lý những hành vi vi phạm.
Đa phần tình trạng lấn chiếm lòng đường, hè phố để kinh doanh buôn bán, trông giữ phương tiện không đúng quy định đang diễn ra phổ biến ở các quận như Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Hoàng Mai, Long Biên. Nhiều cơ sở kinh doanh vẫn đua nhau bày bán hàng hoá, bàn ghế, lập bãi gửi xe… tràn lan trên vỉa hè.

Theo quan sát, các cửa hàng tranh thủ lấn chiếm một phần vỉa hè để bày hàng, phần còn lại của vỉa hè được dùng để đỗ xe cho khách, hoàn toàn không còn khoảng trống nào cho người đi bộ. Do đó, người đi bộ bắt buộc phải đi xuống lòng đường do vỉa hè quá hẹp, rất nguy hiểm.
Không chỉ xe máy, ôtô cũng đang lấn chiếm vỉa hè. Vốn là nơi dành cho người đi bộ, giờ đây nhiều vỉa hè trở thành nơi để ôtô đỗ la liệt, cày nát đá vỉa hè. Để lách luật, nhiều tài xế sẵn sàng đỗ xe theo kiểu một nửa trên vỉa hè, một nửa dưới lòng đường.
Ban đầu khi mới được cơ quan chức năng nhắc nhở, người dân có phần hợp tác, dọn dẹp gọn gàng và làm sạch vỉa hè. Tuy nhiên, ngay khi lực lượng này vừa đi qua thì các quán ăn lại tiếp diễn tình trạng lấn chiếm vỉa hè. Bất chấp các quy định, họ ngang nhiên bày bán các mặt hàng giày dép, quần áo, bàn ghế ăn uống tràn lan, đẩy người đi bộ xuống lòng đường.
2.Vấn đề pháp lý
Hành vi buôn bán, chiếm dụng lề đường làm nơi trông, giữ xe và đỗ ô tô lấn chiếm lề đường bị xử lý như thế nào?
3. Cơ sở pháp lý
Điều 5, Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP
4. Xử phạt hành vi lấn chiếm lề đường
Tùy theo từng trường hợp, mức độ vi phạm mà hành vi lấn chiếm lề đường bị xử phạt như sau:
- Đối với các hành vi lấn chiếm lề đường để buôn bán và làm nơi trông, giữ xe:
Căn cứ theo khoản 1, 5, 6, 7 và 8 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành lấn chiếm lề đường để buôn bán và làm nơi trông, giữ xe chịu các mức chế tài như sau:
- Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với cá nhân, từ 200.000 đồng đến 400.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- a) Bán hàng rong hoặc bán hàng hóa nhỏ lẻ khác trên lòng đường đô thị, trên vỉa hè các tuyến phố có quy định cấm bán hàng, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm c khoản 2, điểm b khoản 5, điểm e khoản 6 Điều này;
[…]
- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
[…]
- b) Sử dụng trái phép lòng đường đô thị, hè phố để: Họp chợ; kinh doanh dịch vụ ăn uống; bày, bán hàng hóa; sửa chữa phương tiện, máy móc, thiết bị; rửa xe; đặt, treo biển hiệu, biển quảng cáo; xây, đặt bục bệ; làm mái che hoặc thực hiện các hoạt động khác gây cản trở giao thông, trừ các hành vi vi phạm quy định tại điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g khoản 6; khoản 7; điểm a khoản 8 Điều này;
- c) Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố dưới 05 m2 làm nơi trông, giữ xe;
- d) Chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị dưới 20 m2 làm nơi trông, giữ xe.
- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 6.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 8.000.000 đồng đến 12.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
[…]
- g) Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 05 m2 đến dưới 10 m2 làm nơi trông, giữ xe;
[…]
- i) Chiếm dụng phần đường xe chạy hoặc lề đường của đường ngoài đô thị từ 20 m2 trở lên làm nơi trông, giữ xe.
- Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 12.000.000 đồng đến 16.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện hành vi chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 10 m2 đến dưới 20 m2 làm nơi trông, giữ xe.
- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức thực hiện một trong các hành vi vi phạm sau đây:
- a) Chiếm dụng lòng đường đô thị hoặc hè phố từ 20 m2 trở lên làm nơi trông, giữ xe;
[…]
Ngoài ra, căn cứ theo khoản 10 Điều 12 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, người thực hiện các hành vi trên buộc phải thu dọn rác, chất phế thải, phương tiện, vật tư, vật liệu, hàng hóa, máy móc, thiết bị, biển hiệu, biển quảng cáo, các loại vật dụng khác và khôi phục lại tình trạng ban đầu đã bị thay đổi do vi phạm hành chính gây ra.
- Đối với hành vi đỗ ô tô sai nơi quy định: Căn cứ theo điểm h khoản 2 Điều 5 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi đỗ ô tô sai nơi quy định chịu phạt đến 600 ngàn đồng với người điều khiển xe.
5. Giải pháp của Luật A+ ngăn chặn vấn đề trên
Nhằm giải quyết vấn nạn trên, Luật A+ xin phép nêu một số giải pháp sau đây:
- Chính quyền địa phương thực hiện tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức bảo vệ lề đường cho người dân. Hình thức tuyên truyền không những treo băng-gôn, mà còn kết hợp thêm các phương tiện truyền thông khác như truyền hình, mạng xã hội, phát thanh;
- Nhà trường nâng cao ý thức bảo vệ lề đường cho học sinh. Vì học sinh sẽ là cầu nối, mang thông điệp bảo vệ lề đường cho các bậc phụ huynh;
- Các cơ quan chức năng thường xuyên kiểm tra, nhanh chóng ứng phó trước các tin báo xâm chiếm lề đường từ người đi bộ;
- Xây dựng các cơ sở vật chất đỗ xe, buôn bán nhằm tạo điều kiện để người dân có thể thực hiện nghĩa vụ của mình.
6. Kết luận
Buôn bán trên vỉa hè đã trở thành một thói quen của một bộ phận người Việt. Vì thế, để có thể giải quyết triệt để vấn đề này, không những cần tinh thần quyết liệt, nhanh chóng ứng phó của các cơ quan ban ngành, thái độ của người dân, mà Chính quyền cũng nên nghiêm túc xây dựng kế hoạch, chính sách và cả cơ sở vật chất cho việc đỗ xe, buôn bán của người dân.